Một người vừa tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19 hoặc vừa đi qua vùng dịch mà được lấy mẫu xét nghiệm không thể nào phát hiện dương tính ngay với virus
Ngày 17-3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 5 ca mắc mới Covid-19. Trong số những ca bệnh đang được điều trị, đa số sức khỏe bệnh nhân (BN) ổn định, chức năng sống được kiểm soát. Tuy nhiên, có 2 BN nặng phải thở máy và lọc m.áu, phải điều trị tích cực.
Nỗ lực cứu 2 bệnh nhân nặng
5 ca bệnh Covid-19 mới nâng tổng số ca mắc bệnh ở Việt Nam lên 66 trường hợp. Trong số này, có 2 BN ở Hà Nội là BN nam, 18 t.uổi (ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là du học sinh từ Anh về Việt Nam trên chuyến bay Vietnam Airlines ngày 16-3, hạ cánh tại sân bay Vân Đồn. Ca bệnh kế tiếp là BN nữ, 20 t.uổi (ở C2 chung cư Mandarin Garden, quận Cầu Giấy, Hà Nội), là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 15-3 trên chuyến bay TG564. Hai BN và những người tiếp xúc gần đã được đưa đến bệnh viện.
Trong khi đó, 3 BN có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2 ở TP HCM là nữ 36 t.uổi (ngụ tại phường 2, quận 8, TP HCM). BN đi cùng bạn trai từ Thụy Sĩ tới Dubai và về Việt Nam ngày 12-3 trên chuyến bay EK392 từ Thụy Sĩ quá cảnh Dubai về Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Người bạn trai tới Hồng Kông (Trung Quốc). Một nữ BN 28 t.uổi (ngụ phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM) làm việc tại Công ty TNHH TOTO Việt Nam tại số 1A Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, cũng đã xác định mắc Covid-19. Ca bệnh còn lại là BN nữ, 21 t.uổi, ngụ tại chung cư Park View, số 107 Nguyễn Đức Cảnh, Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Khu cách ly tập trung Covid-19 mới tại quận 12, TP HCM Ảnh: Nguyễn Thạnh
Trong số các ca mắc Covid-19 ghi nhận ở Việt Nam thì 16 BN đã được chữa khỏi, xuất viện; 50 trường hợp mới phát hiện (tính từ ngày 6-3 đến nay) đang điều trị tại các cơ sở y tế trong đó 31 BN người Việt Nam, 18 BN là người nước ngoài. Đa số BN có tình trạng sức khỏe ổn định, chức năng sống được kiểm soát. Trong số này, có 2 BN có bệnh lý nền, bệnh tiến triển nặng phải thở máy và điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2).
Ngày 17-3, tại Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng các chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) đã hội chẩn cho 2 trường hợp này. Dù cả hai vẫn phải thở máy nhưng hiện nam BN người Anh đã duy trì được chỉ số sinh tồn, còn trường hợp nữ BN người Việt, 64 t.uổi, vẫn đang suy hô hấp, phải lọc m.áu nhưng chưa phải dùng đến hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo). Trước đó, từ chiều 15-3, BN này có triệu chứng khó thở tăng lên, đến 22 giờ cùng ngày, bệnh nhân biểu hiện suy hô hấp tăng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã đặt ống khí quản, thở máy, chuyển BN tới Khoa Hồi sức tích cực để lọc m.áu, theo dõi điều trị và hội chẩn trực tuyến tìm phương án điều trị tốt nhất.
Cũng theo Bộ Y tế, hiện BN thứ 18 (đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình) đã có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, không sốt, không ho, ăn uống bình thường. Kết quả xét nghiệm của 2 BN nước ngoài đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng lần 1 cũng cho kết quả âm tính. Một trường hợp khác cũng có kết quả âm tính lần 1 là nữ BN người Anh đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2).
Chỉ làm xét nghiệm khi bác sĩ yêu cầu
Liên quan đến thông tin nữ tiếp viên (ca bệnh thứ 59) từng có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhưng sau 8 ngày bị sốt, ho, xét nghiệm lại cho kết quả dương tính, các chuyên gia cho rằng thời điểm xét nghiệm trước đó BN ở vào giai đoạn ủ bệnh. Theo PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị cho thời điểm lấy mẫu. Mỗi loại xét nghiệm có ngưỡng phát hiện nhất định.
Tuy nhiên, PGS Quỳnh Mai cho rằng trường hợp BN có xét nghiệm âm tính trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính là bình thường. Vì thời điểm lấy mẫu, BN ở giai đoạn ủ bệnh, chưa đến ngưỡng phát hiện được bằng xét nghiệm. “Việc cho kết quả dương tính lần này đã khẳng định việc cách ly 14 ngày là hợp lý” – bà Quỳnh Mai nhận định.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết thêm BN xét nghiệm âm tính tức là trong dịch họng không tìm thấy virus. Tại thời điểm đó không lây cho người khác nhưng nếu trong thời kỳ ủ bệnh thì sau vài ngày BN phát bệnh. Khi đó sẽ có khả năng lây cho người khác. Cũng theo bác sĩ Cấp, SARS-CoV-2 giống như nhiều loại virus, khi mới vào cơ thể thì không thể tìm thấy ngay. Nếu một người vừa tiếp xúc với BN mắc Covid-19 hoặc vừa đi qua vùng dịch mà được lấy mẫu xét nghiệm không thể nào phát hiện dương tính ngay với virus. Do đó, bác sĩ phải xác định thời gian tiếp xúc, dự tính nguy cơ mắc rồi chỉ định đi xét nghiệm mới chuẩn. “Có những công ty đòi nhân viên phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới tuyển dụng. Việc này đang gây sức ép không đáng có cho ngành y tế” – bác sĩ Cấp chia sẻ, đồng thời khuyến cáo người dân chỉ nên làm xét nghiệm khi bác sĩ yêu cầu.
TP HCM áp dụng kịch bản từng cấp độ
Ngày 17-3, TP HCM đã thành lập thêm một khu cách ly tập trung mới tại quận 12. Tại đây có 106 phòng, mỗi phòng từ 6-12 giường. Cùng ngày, Bộ Y tế cũng ra quyết định cho phép Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, góp phần kịp thời đáp ứng nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán và tầm soát đối với người thuộc diện cách ly ngày càng tăng trên địa bàn TP. Sở Y tế TP cũng chính thức đưa vào hoạt động tại Bệnh viện điều trị Covid-19 đặt tại huyện Cần Giờ. Đây là bệnh viện chuyên trách thứ hai (sau Bệnh viện dã chiến tại Củ Chi) với quy mô 300 giường.
GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong giai đoạn mới, TP HCM dựng kế hoạch khi dịch bùng phát trong cộng đồng cũng như kịch bản cách ly từng cấp độ. Liên quan đến những người từng tiếp xúc với các ca mắc Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết có 319 mẫu xét nghiệm âm tính, 215 mẫu còn chờ kết quả.
Ng.Thạnh
Ngọc Dung (nld.com.vn)
Liệu có thể mua bộ Kit thử SARS-CoV-2 về tự dùng ở nhà hay không?
Nhiều người thắc mắc liệu có thể mua bộ Kit thử SARS-CoV-2 về tự dùng ở nhà tương tự như que thử phát hiện nhanh bệnh thông thường hay không?
Việc tự sản xuất được bộ test Kit phát hiện Covid-19 giúp Việt Nam nắm trong tay một công cụ đắc lực và hữu hiệu trong việc chủ động chẩn đoán sớm và sàng lọc người nghi nhiễm khi các Kit thương mại không sẵn có trên thị trường Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát và trở thành đại dịch trên toàn cầu.
Việt Nam đủ nguồn lực và chủ động trong việc xét nghiệm Covid-19.
Trước thông tin này, nhiều người dân cũng thắc mắc liệu bộ Kit có thể mua về tự dùng ở nhà để kiểm tra tương tự như thiết bị kiểm tra tiểu đường hay que thử phát hiện nhanh bệnh thông thường hay không?
Theo nhóm nghiên cứu Học viện Quân y (đơn vị nghiên cứu thành công Kit test nhanh virus SARS-CoV-2 đã được đưa ra sản xuất đại trà), đặc điểm của virus SARS-CoV-2 có bộ gene rất lớn, khoảng 29.000 Kilobase. Trong khi, virus viêm gan B chỉ có khoảng 3.000 Kilobase, virus viêm gan C khoảng 9.000 Kilobase, virus sốt xuất huyết khoảng 10.000 Kilobase và ngay virus Ebola cũng chỉ 19.000 Kilobase.
Covid-19 được xếp vào dạng bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm các loại bệnh đặc biệt nguy hiểm), có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ t.ử v.ong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, các thành viên thực hiện xét nghiệm phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như quần áo bảo hộ, kính, giày, găng tay, khẩu trang và tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng tránh lây nhiễm, bảo đảm an toàn sinh học và an ninh sinh học.
Việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thực hiện qua thiết bị xét nghiệm y tế chuyên dụng real-time RT-PCR, với 3 bước chính là xử lý mẫu (15 phút), tách chiết RNA virus (45 phút) và Real-time RT-PCR (một kĩ thuật về sinh học phân tử – 60 phút).
Các đơn vị thực hiện xét nghiệm phải pha Kit theo quy trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ).
Tại Việt Nam hiện chỉ có các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur cùng với các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các tỉnh thành chịu trách nhiệm thực hiện các xét nghiệm với Covid-19.
Theo giới chuyên gia, trong kịch bản dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam, các bệnh viện Đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh, bệnh viện và các Trung tâm xét nghiệm tư nhân như Medic TPHCM, Melatec Hà Nội… cũng có năng lực thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể lập các phòng xét nghiệm dã chiến nhưng đảm bảo an toàn sinh học, tương tự như Hàn Quốc đang áp dụng, tại các khu cách ly để đáp ứng việc xét nghiệm kịp thời./.
Theo vov.vn