Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh, các bệnh nhân mắc Covid-19 khi có kết quả điều trị tốt sẽ tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm lần 1, lần 2. Nếu 2 xét nghiệm đó cho kết quả âm tính thì bệnh nhân đó được ra viện.
Nhận hàng trăm mẫu bệnh phẩm mỗi ngày
Theo thống kê từ Bộ Y tế, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam ghi nhận 57 ca bệnh mắc Covid-19 với hàng ngàn người được xác định là F1, F2.
GS.TS Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca bệnh ngày càng tăng nhanh đã đặt ra thách thức cho các cơ quan chức năng về cơ sở vật chất, thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân.
Theo tìm hiểu, mỗi ngày, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận hàng trăm mẫu bệnh phẩm từ các tỉnh thành. GS.TS Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, cán bộ Viện vào thời điểm này gần như không có ngày nghỉ. Nhiều cán bộ trong những ngày này phải đia các địa phương để lấy mẫu, một số cán bộ khác ở lại để thực hiện việc xét nghiệm.
Về vấn đề Kit test vi rút SARS-Cov-2, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, Viện đã đ.ánh giá bộ sinh phẩm của Học viện Quân Y. Đến nay, bộ sinh phẩm đó được giấy phép lưu hành tại Việt Nam. Theo như Học viện Quân Y cho biết, họ sẽ đáp ứng đủ nhu cầu để chúng ta có thể làm xét nghiệm.
Cũng theo Viện trưởng Đặng Đức Anh, hiện nay, tại Hà Nội, có Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có khả năng xét nghiệm vi rút SARS.
Tuy nhiên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là tuyến cuối trong việc khẳng định một bệnh nhân dương tính Covid-19. “Khi có bệnh nhân dương tính chúng tôi là đơn vị khẳng định cuối cùng” – GS.TS Đặng Đức Anh cho biết.
Ngoài ra, đối với một số tỉnh thành chưa đủ điều kiện, cơ sở vật chất để xét nghiệm Covid-19 thì các mẫu bệnh phẩm đều được gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Vào thời điểm hiện nay, mỗi ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận được hàng trăm mẫu bệnh phẩm và bắt buộc phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Thông thường, mỗi mẫu bệnh phẩm, Viện sẽ tiến hành xét nghiệm từ 5 – 9 tiếng. Trong đó gồm nhiều công đoạn như: Nhận bệnh phẩm, xử lý bệnh phẩm, tách chiết, cho vào máy chạy…
Chỉ cần xét nghiệm 1 lần là xác định được có mắc bệnh hay không
Đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ cần làm xét nghiệm 1 lần để xác định được người đó có mắc bệnh hay không. “Một lần là có thể khẳng định được rồi” – GS.TS Đặng Đức Anh khẳng định.
Nói về khả năng các mẫu xét nghiệm cho kết quả khác nhau, ông Đặng Đức Anh cho rằng, việc đó còn tùy vào thời điểm chúng ta lấy mẫu. Ví dụ như sau 14 ngày, sau 21 ngày…
Thường thì các bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-COv-2 sẽ được đưa vào bệnh viện để điều trị. Khi có kết quả điều trị tốt sẽ tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm lần 1, lần 2. Nếu 2 xét nghiệm đó cho kết quả âm tính thì bệnh nhân đó được ra viện.
Đối với các trường hợp bệnh nhân chưa có biểu hiện nhưng đã nhiễm vi rút, ông Đặng Đức Anh cho rằng chủ yếu là thời gian chúng ta lấy mẫu xét nghiệm. Thường khi nhiễm bệnh sau 3 ngày thì tải lượng vi rút mới lớn, lúc đó chúng ta thực hiện xét nghiệm sẽ cho kết quả chính xác hơn.
Thế Công (toquoc.vn)
Bệnh nhân Covid-19 có thể lây cho người khác sau bao lâu nhiễm virus?
Bệnh nhân mắc Covid-19 nếu không cách ly và điều trị kịp thời sẽ tiếp tục lây lan cho rất nhiều người khác, ngay cả trong thời gian ủ bệnh.
Cuối tháng 2, N.H.N. – bệnh nhân Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam đã du lịch sang Anh, Italy và Pháp, sau đó trở lại Hà Nội ngày 2/3 không khai báo y tế. Tính đến sáng 7/3, khoảng 200 người trong các diện tiếp xúc với bệnh nhân phải cách ly.
Các đội điều tra dịch tễ đang tiếp tục rà soát, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người tiếp xúc thứ phát. Vấn đề khiến nhiều người quan tâm là người mắc Covid-19 có thể tiếp tục lây cho người khác sau bao lâu nhiễm SARS-CoV-2?
Bắt đầu lây lan khi lượng virus đủ lớn
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết sau khi đi vào vùng hầu họng, virus sẽ xâm nhập vào các tế bào niêm mạc và nhân lên nhanh chóng.
Khi phát triển đủ lớn cả về số lượng và cấu trúc, chúng sẽ phá vỡ tế bào để tràn lan ra ngoài và mỗi con lại tìm cách chui vào một tế bào mới. Cứ như thế, chu trình phát triển được lặp lại nhiều lần và ngày càng đi sâu hơn vào cơ thể. Đây gọi là giai đoạn ủ bệnh.
Đến một lúc nào đó, tuỳ thuộc vào sức khỏe mỗi người, số lượng virus đủ lớn sẽ phá vỡ cơ chế tự bảo vệ của con người, bệnh sẽ phát ra. Đây là giai đoạn phát bệnh. Như vậy, trong giai đoạn ủ bệnh, người mang virus không có triệu chứng nên người khác không thể biết. Do đó, họ có khả năng âm thầm lây truyền virus sang người khác.
“Bệnh nhân trong thời gian ủ bệnh có thể lây truyền virus cho người xung quanh và mẫu bệnh phẩm xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính hay dương tính tuỳ theo lượng virus trong cơ thể. Do đó, khi nghi ngờ tiếp xúc gần với người có nguy cơ mắc bệnh hoặc đi về từ vùng dịch tễ, người dân cần khai báo y tế, cách ly đủ thời gian quy định để theo dõi sức khỏe, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hùng nói.
Bệnh nhân Li ZiChao (trái) bị lây virus corona sau khi tiếp xúc với người cha. Ảnh: Trương Khởi.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cũng cho biết người mắc Covid-19 có thời gian ủ bệnh từ 1-14 ngày, thường là 5 ngày. Thời gian ủ bệnh được tính từ khi bị nhiễm virus cho tới khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh.
Đa số trường hợp mang virus sẽ lây cho người khác khi bắt đầu có triệu chứng hô hấp. Do đó, bác sĩ Châu cho rằng việc làm xét nghiệm PCR cho những trường hợp không có hoặc chưa có triệu chứng bất thường, dù là ca nghi ngờ có thể đã nhiễm virus (do có tiếp xúc nguồn bệnh), ít có ý nghĩa trong thực hành cách ly kiểm dịch.
TS Châu khuyến cáo trong thời gian từ lúc phát bệnh cho đến khi điều trị khỏi bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh vẫn có thể lây virus cho người khác nếu không áp dụng cách ly, phòng ngừa nghiêm ngặt.
Phun thuốc khử khuẩn trong máy bay. Ảnh: HCDC.
Người âm tính Covid-19 vẫn phải cách ly 14 ngày
TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết kết quả xét nghiệm âm tính chỉ khẳng định người được xét nghiệm chưa có bệnh và chưa có khả năng lây được cho người khác tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.
“Trong vòng 14 ngày tính từ lần cuối tiếp xúc với nguồn lây, người đã có xét nghiệm âm tính vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Khi đó, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm lại để xác định chẩn đoán bệnh. Nếu sau thời gian này mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường thì họ không mắc bệnh”, TS Châu nói.
Để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ra cộng đồng, những người tiếp xúc gần với ca dương tính cần cách ly 14 ngày. Một số trường hợp đặc biệt được chỉ định làm xét nghiệm khi bắt đầu đưa vào cách ly, dù có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn phải tiếp tục cách ly đủ 14 ngày.
Theo các thông tin hiện có, bệnh nhân nhiễm bệnh thường sẽ âm tính sau khoảng 7-14 ngày. Như vậy, về lý thuyết thì khi bắt đầu triệu chứng (ngày 1) sẽ có thể lây bệnh cho người khác đến khoảng ngày thứ 14 là hết. Tùy từng cá thể mà diễn tiến bệnh sẽ thay đổi dài ngắn, do đó thời gian có thể lây nhiễm thay đổi trong khoảng 1-14 ngày, một số trường hợp có thể lâu hơn nữa. Vì vậy để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, bệnh nhân chỉ có thể cho ra viện khi có ít nhất 2 lần xét nghiệm âm tính trong 2 ngày liên tiếp.
Theo Zing