Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát cho tới nay, cơ quan chức năng trên cả nước đã liên tục ‘khui’ ra hàng loạt các cơ sở kinh doanh gel rửa tay khô không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Những chai gel “diệt” khuẩn với cái tên rất “Tây” và khá lạ; thậm chí mang hẳn thương hiệu “Corona”, cùng những lời quảng cáo “có cánh” của các cửa hàng online trên mạng xã hội như “bảo đảm t.iêu d.iệt được virus Corona”… đang khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn khi chọn mua, dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Gel diệt khuẩn có tên “Corona” được bán tràn lan trên mạng với đủ loại mẫu mã và dung tích khiến người dùng dễ nhầm lẫn về tính năng của thực sự của các sản phẩm này.
Bệnh viện Da liễu Trung ương thời gian gần đây cũng liên tục tiếp nhận nhiều ca viêm da tiếp xúc dị ứng, đỏ mẩn, bong tróc, ngứa… từng sử dụng qua dung dịch sát khuẩn trôi nổi trên thị trường.
Theo các bác sĩ, việc sử dụng những dung dịch sát khuẩn kém chất lượng sẽ tiềm ẩn 2 nguy cơ lớn. Thứ nhất, dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Thứ hai, dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng, dị ứng hoặc gây độc hại khi dung dịch vào mắt, mũi, miệng, thức ăn. Do đó, người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng, chỉ chọn mua những sản phẩm có thương hiệu, uy tín và nguồn cung chính thống, rõ ràng.
Giải pháp an toàn phòng chống dịch bệnh
Năm 2009, sau khi thí điểm tại 10 quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phổ biến rộng rãi phương thức điều chế gel rửa tay khô trên website của mình. Theo đó, để có được 500ml dung dịch sát khuẩn, chỉ cần có 415 ml cồn y tế 96% (cồn ethanol), 20 ml Oxy già 3%, 7,5 ml Glyxerin 98%, 55 ml nước cất hoặc nước đun sôi để nguội không có cặn bẩn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các bác sĩ đều khuyến cáo: Rửa tay 20 giây với xà phòng sạch khuẩn mới là biện pháp phòng dịch Covid-19 hữu hiệu hơn cả; gel rửa tay khô chỉ nên là biện pháp thay thế tiếp theo.
Dẫu vậy, WHO cũng khuyến cáo rằng dung dịch này chỉ nên pha chế trong trường hợp người dùng không có cơ hội sử dụng các loại xà phòng. Bởi chất lượng của dung dịch sát khuẩn “tự chế” vẫn tồn tại khuyết điểm như việc khó kiểm soát nồng độ cồn của thành phẩm cuối cùng, có thể dẫn đến viêm da nếu sử dụng lâu dài.
Mới đây, BS. Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cảnh báo về thực trạng gel rửa tay khô kém chất lượng tràn lan trên thị trường và việc người tiêu dùng lạm dụng sản phẩm này.
“Vì tốc độ lây lan nhanh, “Cô Vy” đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Phòng hơn chống, rửa tay với xà phòng 20s vẫn là lựa chọn tốt nhất. Nhưng không phải lúc nào cũng sẵn nước với xà phòng nên nước rửa tay nhanh được khuyên dùng, hay còn gọi là gel rửa tay khô. Tuy nhiên, những kẻ “ăn bám đại dịch” cũng nổi lên theo, gel hay nước rửa tay nhanh tràn ngập thị trường với lời quảng cáo không thể kêu hơn: diệt được corona, diệt khuẩn tuyệt đối…
Nhưng đời luôn có kẻ này người nọ, mọi người có lo thì cũng cần hết sức cẩn thận với những nhãn hiệu chưa được kiểm chứng. Nước rửa tay vẫn chỉ là nước rửa tay, dùng đúng cách và đúng thời điểm mới có hiệu quả phòng bệnh. Nếu không, chính các thứ nước sát khuẩn này sẽ phá vỡ mối cân bằng vi sinh trên da, chưa kể gây kích ứng và làm hỏng da tay, đặc biệt là da các em bé”, BS Hùng chia sẻ.
BS. Hùng cho biết, gel rửa tay tuy dễ pha chế nhưng nếu tỉ lệ thành phần không được đảm bảo sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo lựa chọn những thương hiệu lớn, có độ tin cậy cao.
Dung dịch rửa tay khô chỉ nên sử dụng đúng lúc, khi thật cần thiết, bởi “biện pháp tuyệt vời nhất cho tất cả” vẫn là rửa tay 20s với xà phòng sạch khuẩn sau đó xả kỹ dưới vòi nước sạch.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có khả năng diễn biến phức tạp, tình trạng khan hiếm các vật dụng y tế như khẩu trang và các loại dung dịch sát khuẩn sẽ còn tiếp diễn.
Các trạm rửa tay dã chiến cung cấp nước sạch và xà phòng sạch khuẩn miễn phí đã được lắp đặt tại nhiều nơi công cộng, đồng hành cùng người dân đi qua mùa dịch.
Người tiêu dùng cần phải tự cập nhật thông tin, luôn tỉnh táo trước những lời quảng cáo “sai lệch” và chỉ sử dụng các sản phẩm xà phòng/nước rửa tay sạch khuẩn/gel khô có thương hiệu, có chứng nhận an toàn, được bán tại các siêu thị lớn; không dùng khẩu trang lãng phí, chia sẻ cho người cần’ không vì quá lắng lo mà vét sạch thực phẩm ở siêu thị để tích trữ. Cùng nhau tỉnh táo, chúng ta sẽ vượt qua mùa dịch an toàn.
Kim Phượng (vietnamnet.vn)
Hiểu lầm tai hại khi sử dụng khẩu trang y tế nhiều lần để “chống” COVID – 19
Theo Bác sĩ CKII Bùi Quang Hào của Bệnh viện Da liễu Trung ương, trong thời gian “đại dịch” COVID – 19 đang diễn biến phức tạp, khẩu trang “cháy hàng” nhưng đối với khẩu trang y tế thì chỉ nên sử dụng một lần và chỉ những người đi vào ổ dịch mới cần sử dụng khẩu trang có độ lọc cao.
Theo Bác sĩ Hào, khẩu trang y tế có tác dụng ngăn cản dịch tiết từ mũi, họng có chứa vi sinh vật của người mang mầm bệnh khi ho hay hắt hơi; hạn chế lây truyền bệnh từ người sang người qua giọt b.ắn.
Tại Việt Nam, tiêu chuẩn khẩu trang y tế được quy định theo Bộ TCVN 8389-2010 gồm các loại sau: Khẩu trang y tế thông thường; Khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất
Theo đó, khẩu trang y tế thường có từ 2-4 lớp, lớp ngoài là vải hoặc giấy, giữa là than hoạt tính hoặc lớp lọc khuẩn. Tùy theo nhà sản xuất nhưng với khẩu trang y tế, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng một lần (phòng ngừa COVID-19).
Ảnh minh họa
Bác sĩ Hào cho biết :” Đeo khẩu trang y tế với mục đích ngăn bụi, khói thì có thể dùng hơn 1 lần với điều kiện phải đảm bảo vệ sinh. Khẩu trang sử dụng nhiều lần có nguy cơ bị ô nhiễm bởi khói, bụi và vi sinh vật (khi đeo khẩu trang trong thời gian dài dễ bị ẩm do hơi thở, mồ hôi). Khẩu trang có than hoạt tính khi giặt để tái sử dụng thì sẽ giảm hoặc mất tác dụng ngăn cản bụi, vi khuẩn”.
Khi đeo khẩu trang cần hết sức hạn chế/tránh chạm tay vào bề mặt khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn có chứa cồn hoặc xà phòng với nước sạch. Như vậy, nếu sử dụng khẩu trang nhiều lần sẽ không có tác dụng ngăn cản các yếu tố gây bệnh mà còn có nguy cơ tăng lây nhiễm bệnh.
Bác sĩ Hào khuyến cáo :” Với những người làm việc trong môi trường nóng, ẩm hoặc hay ra mồ hôi cần thay khẩu trang khi bị ẩm ướt. Đeo khẩu trang nhiều dễ có nguy cơ tích tụ bụi bẩn, vi sinh vật bám trên bề mặt da gây viêm nang lông, trứng cá hoặc viêm da tiếp xúc dị ứng. Với những trường hợp này, thường xuyên rửa mặt bằng nước sạch hoặc dùng sữa rửa mặt nhẹ nhàng, không có chất rửa tẩy. Trường hợp bệnh nặng, cần đến khám bác sỹ Da liễu để được tư vấn và điều trị”.
Phòng ngừa lây nhiễm COVID 19, với những người không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân đã xác định nhiễm COVID-19 hoặc các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 thì chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế thông thường hoặc khẩu trang vải. Chỉ những người tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 hoặc đi vào ổ dịch mới cần sử dụng khẩu trang có độ lọc cao (N95).
Theo baophapluat